Cách Phòng Chống Click Tặc AdWords Từ A-Z

Mình đã định viết bài này từ lâu, nhưng cứ “lần nữa” mãi, chủ yếu là vì ngại viết. Hôm nay tập trung viết ra luôn cho khỏi chờ mong, bài viết này dài, hi vọng sẽ có ích với mọi người.
Nói đến Click tặc thì chắc hẳn bạn cũng không có vui vẻ gì, thậm chí còn “ba máu sáu cơn”, bạn căm thù đối thủ phá mình, rồi còn ghét luôn cả Google vì cứ để tình trạng đó xảy ra. Có không?
Thôi thì có hay không thì cũng sẽ viết bài này, nội dung “Các phương pháp phòng chống Click tặc AdWords từ A-Z” sẽ giúp mọi người có những phương pháp cho riêng mình.
Trước tiên.

Click tặc Google AdWords là gì?

Theo Google định nghĩa: Những click không sinh ra giá trị cho nhà quảng cáo thì gọi là Click không hợp lệ. Click không hợp lệ bao gồm Click tặc (Click có chủ ý) và Click vô tình, không cố ý của người dùng khi tìm kiếm.
  • Click vô tình: Khi người dùng tìm kiếm 1 sản phẩm đỏi hỏi cần nhiều thông tin (ví dụ Iphone), họ có thể tìm kiếm nhiều từ khóa trong 1 thời gian ngắn, và có thể click vào 1 website nhiều lần để xem thông tin. Đây là những click không có chủ ý phá quảng cáo, chỉ đơn giản là họ đang tìm hiểu, cho nên chúng ta gọi là những Click vô tình.
  • Click cố ý phá quảng cáo: Đây là loại mà mọi người quan tâm, đối thủ có thể phá bằng cách tìm nhiều lần rồi click, hoặc dùng mạng 3G out/in nhiều lần để đổi IP rồi Click, thậm chí sài Tools để click và đổi IP liên tục… Có rất nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều có hại cho mỗi chúng ta.
Những click vô tình và những click cố tình theo cách thủ công (search nhiều lần rồi click) đều được Google lọc ra và không bị tính chi phí, nên chúng ta không cần lo phần này. Ảnh dưới minh họa số click Google đã lọc, và sẽ không tính tiền bởi chúng là những click không hợp lệ:
nhấp chuột không hợp lệ
nhấp chuột không hợp lệ không bị tính tiền
Vì vậy, chúng ta sẽ chỉ đề cập tới những Click phá có chủ ý, được thực hiện 1 cách tinh vi và chuyên nghiệp.

CÁC PHƯƠNG PHÁP PHÒNG CHỐNG CLICK ẢO GOOGLE

Trước khi bắt đầu các phương pháp, mình cần phải nói rằng “Chẳng có cách nào ngăn chặn tuyệt đối việc Click ảo cả”, kể cả là Google. Đây là kinh nghiệm mình đúc rút sau quá trình thử nghiệm nhiều phương pháp, bao gồm cả nhờ Google giúp. Nói trước để bạn khỏi trách khi không giảm được 100%, nhưng bù lại, những phương pháp sau đây sẽ hạn chế được tương đối nhiều.
Phần còn lại thì… hi vọng vậy! Mình sẽ bắt đầu từ những phương pháp dễ -> phức tạp hơn nhé!

Số 1: TRÔNG CẬY VÀO GOOGLE

Đừng vội cười! Đây là phương án dễ nhất mà ai cũng có thể làm được. Muốn thành công với Google thì phải tin Google.
Chúng ta là khách hàng của Google, và họ luôn cố gắng để khách hàng không bị thiệt. Những chuyên gia đầu ngành, giáo sư, tiến sĩ của Google ngày đêm tìm ra các phương pháp ngăn chặn Click ảo, bởi ngày nào nạn này còn, Google sẽ bị ảnh hưởng ngày đó. Mình sẽ mô tả quy trình Google làm việc để lọc các click ảo như sau:
  1. Lọc tự động: Nhanh nhất là khoảng 5 phút sau khi thấy có “hiện tượng”, Google đã lọc ra những Click không tốt, lọc ra đồng nghĩa với việc sẽ không bị thu tiền, bạn nhớ nhé! (Xem ảnh bên trên để thấy kết quả của quá trình lọc tự động)
  2. Hệ thống sẽ lọc sau đó: Sau 1 khoảng thời gian ngắn, AdWords tự động lọc tiếp để tìm ra những dấu hiệu không hợp lệ. Họ sẽ trả lại tiền nếu tìm ra, và báo cáo lại trong TAB thanh toán (xem ảnh dưới).
nhấp chuột không hợp lệ
Google phát hiện ra những Click không hợp lệ sau khi đã lọc lại, họ trả lại tiền cho NQC
Ngoài 2 cơ chế lọc trên, Google còn tiếp nhận thông tin từ khách hàng phản hồi qua Email, điện thoại. Nếu bạn nghi mình bị phá quảng cáo, bạn có thể Email; Nếu bạn biết đối thủ dùng Tools để phá bạn, hãy cho Google biết tên của Tools đó, họ sẽ tìm cách nâng cấp để Tools đó không còn tác dụng.
Mặc dù để biết tên Tools của đối thủ là điều rất khó, thậm chí bất khả thi nhưng mình vẫn viết ra, để bạn có thể biết Google luôn cố gắng làm những điều tốt nhất.

Số 2: CHẶN QUẢNG CÁO THEO ĐỊA CHỈ IP

Bạn hiểu nôm na: Mỗi modem mạng internet mà chúng ta sử dụng sẽ có 1 địa chỉ IP khác nhau, Google có tính năng chặn địa chỉ IP và nếu bạn sử dụng thì tất cả những máy tính/ thiết bị sử dụng mạng của IP đó sẽ không thấy quảng cáo.
Để xem địa chỉ IP của mình là gì, bạn truy cập vào website: (https://www.whatismyip.com/my-ip-information/), địa chỉ dạng 192.168.1.* hoặc 10.0.0.1 như bạn đang nghĩ chỉ là địa chỉ IP nội bộ thôi nhé, muốn xem địa chỉ IP trên internet phải vào cái link mình gửi kia.
Bạn nên liệt kê ra những địa chỉ IP sau để chặn: công ty mình, công ty đối thủ, nhà riêng của đối thủ, nhà bố mẹ vợ/ chồng của đối thủ… Càng tìm được nhiều thì chặn càng hăng, càng đỡ tốn.
Trường hợp thấy nhiều IP na ná nhau, kiểu như: 12.1.1.54 rồi 12.1.1.29 thì tốt nhất bạn nên chặn luôn là 12.1.1.* (dấu * đại diện cho dãy số từ 1-254, nghĩa là chặn tuốt 254 cái luôn).
Trong tài khoản, bạn vào phần như trong ảnh sẽ thấy ô vuông để mình điền địa chỉ IP vào (Cài đặt chiến dịch >> Loại trừ IP >> Chỉnh sửa):
loại trừ IP Google AdWords
Có những trường hợp, chúng ta có quá nhiều đối thủ, không thể biết hết được địa chỉ IP để mà chặn, thì lúc đó cần dùng Tools của bên thứ 3. Mình gợi ý: http://www.histats.com/
Sau khi đăng ký tài khoản, bạn lấy đoạn mã gắn vào website. Tools này chức năng chính giúp bạn đếm số lượng người truy cập, tính năng phụ là báo cáo danh sách các địa chỉ IP đã truy cập.
Đăng ký dễ lắm, bạn tự làm đi, làm xong thì theo dõi cái cột dưới ảnh đây (tìm Log Analyze):
ip hitstat
Việc của bạn: Xem những địa chỉ IP nào có lượt truy cập nhiều mà khả thi thì band nó đi. Nếu chăm chỉ, việc này cần thực hiện hàng ngày luôn, sau 1 tuần bạn sẽ thấy chi phí quảng cáo giảm đáng kể đấy.

Tuy nhiên, đây không phải phương án tối ưu. Lý do:
  1. Cơ sở hạ tầng ở nước ta còn yếu: đôi khi 2 máy tính ở 2 tỉnh thành khác nhau lại có cùng 1 địa chỉ IP như nhau, chặn IP cũng có thể là chặn đi chính khách hàng tiềm năng của mình. Lỗi này thuộc về nhà mạng internet, nhưng hiện tại vẫn chưa khắc phục được.
  2. Không thể chặn triệt để 3G: Nếu đối thủ sài 3g, mỗi lần bật tắt thiết bị là có 1 địa chỉ IP mới. Như vậy cứ chạy theo đuôi họ mãi cũng không làm gì được.
  3. AdWords giới hạn 500 dãy IP: Google giới hạn 1 chiến dịch chỉ loại trừ được tối đa 500 giải IP khác nhau. Có lẽ bạn cũng phải đồng ý với tôi rằng: Đối thủ của chúng ta cũng nhiều hơn 500 anh em nhỉ?
Lý do số 4, có lẽ là quan trọng nhất khi nói phương pháp này không tối ưu, đó là: Hệ thống Google cũng không chuẩn 100%. Có lần mình đã thử chặn chính địa chỉ IP của mình, rồi IP 1 đường mạng khác, rồi mình Search… Và vẫn thấy quảng cáo. Phía Google trả lời, có thể ở thời điểm đó hệ thống lỗi…
Do đó, phương pháp này không chính xác tuyệt đối bạn nhé.
Nhưng khi chúng ta bị phá quá trời đất rồi, thì mình khuyên bạn vẫn nên làm theo cách này, bởi nó cũng hạn chế được khá nhiều chi phí lãng phí. Sau đó mình bổ sung thêm các phương pháp sau đây, sẽ giúp chúng ta đạt kết quả tốt nhất có thể.

À. Trước khi qua phương pháp số 3, mình cần chia sẻ với các bạn đọc Blog của mình 1 câu chuyện sau:
Hiện có những bên họ cung cấp dịch vụ chặn Click ảo và họ tuyên bố chặn 100%, mình có tìm hiểu thì biết họ sử dụng phương pháp loại trừ IP mà mình đang nói ở đây để làm cho khách hàng. Chỉ khác là thay vì chúng ta tự dùng Hitstat, họ lại làm ra 1 phần mềm của họ để theo dõi IP và sẽ tự động thêm IP vào danh sách loại trừ, tất nhiên với điều kiện: bạn phải cho họ có quyền truy cập tài khoản AdWords của mình. 
Mình không nói tới việc lừa đảo hay không, nhưng: Bạn thấy là phương pháp này không đúng tuyệt đối, do đó không có gì là 100% cả; Thứ hai thì việc share tài khoản AdWords cho người khác khi mình có ít kiến thức về việc phân quyền tài khoản sẽ mang lại nhiều rủi ro. Mình nghĩ bạn nên tránh.
Hãy tự làm theo phương pháp này, không làm được thì alo mình Teamview chỉ.

Số 3: LOẠI BỎ TỪ KHÓA CHẤT LƯỢNG THẤP

Phương pháp số 3 không thiên về kỹ thuật nhiều, mà thiên về cảm nhận và kinh nghiệm. Chúng ta đều biết có thể chia từ khóa thành 2 loại: từ khóa ngắn và từ khóa dài.
Từ khóa ngắn là những từ dễ dàng nghĩ tới đúng không? Thường là những từ mô tả ngắn gọn nhất về sản phẩm (iphone 7, hút bể phốt…). Chính vì ai cũng nghĩ tới đầu tiên nên ai cũng muốn quảng cáo và có Top.
“Con gà tức nhau tiếng gáy” – 80% số lượng Click tặc là nhắm vào các từ khóa ngắn, HOT bởi click thế nó mới bõ công! Vậy làm sao để vẫn chạy được cả từ khóa dài và ngắn nhỉ?

Đầu tiên, nên bid Top thấp (4,0 – 6,0) cho các từ khóa HOT, các từ khóa dài mình có thể BID cao hơn 1 chút. Mục đích là để thăm dò trước!


Thứ 2: Phủ định những từ khóa không liên quan

Thực ra mình có thể không nói tới phần này, nếu chỉ tập trung vào việc chống Click tặc. Nhưng hiểu như này: Click tặc không sinh ra giá trị => Click đó vô nghĩa không sinh ra tiền. Vậy thì những click không liên quan, không sinh ra tiền thì mình cũng nên loại bỏ đi. Và việc phủ định các từ khóa không liên quan để loại đi các từ khóa không có giá trị.
Ví dụ: bạn bán xe đạp điện chứ không sửa, bạn cần phủ định các từ khóa “sửa xe đạp điện”, “thay ắc quy xe đạp điện”… như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều khoản tiền lãng phí.

Thứ 3: Theo dõi số liệu Analytics

Sau khi liên kết Analytics và AdWords, bạn có thể biết được traffic từ AdWords có giá trị hay là không?
Giá trị nghĩa là: Người dùng vào web thông qua từ khóa A, và họ đọc web, tương tác tốt với website => Cơ hội bán được hàng cao.
Không giá trị nghĩa là: Người dùng vào web thông qua từ khóa A, nhưng họ chả đọc web, hoặc hành vi hời hợt, chả làm theo những gì mình muốn => Cơ hội bán hàng thấp.
Thế thì, phải tìm ngay ra những từ khóa không hiệu quả, để mà loại bỏ hoặc giảm Top xuống cho đỡ lãng phí (kể cả những từ khóa HOT), phần báo cáo này nhìn sẽ như sau:
từ khóa chất lượng thấp
Những từ khóa mình KHOANH ĐỎ phía trên được đánh giá là chất lượng thấp, bởi người dùng vào web chẳng đọc nội dung gì cả (time on site = 0); rồi họ thoát luôn (tỉ lệ thoát 100% và số trang đọc = 1). Vậy thì những từ khóa đó nên Hạ top; hoặc trỏ về 1 trang đích khác liên quan hơn (có thể họ không đọc là do mình đưa họ về trang đích không liên quan); hoặc mạnh dạn Bỏ luôn từ khóa ấy.

Vậy thì,
Nếu bạn có đủ tiền thì tốt, cứ bèm hết cả từ ngắn, từ dài vào Top 3. Rồi theo dõi Analytics để loại bỏ dần.
Nếu bạn có ít tiền, thì Bid từ ngắn top thấp thôi, từ dài bid lên top 3. Rồi lai theo dõi để loại bỏ dần.
Cần phải thật chăm chỉ để có kinh nghiệm bạn nhé!

Thứ 4: TỐI ƯU KHUNG THỜI GIAN QUẢNG CÁO HIỂN THỊ

Thường thì tình huống sẽ như này: Bạn set quảng cáo chạy 24/24 với ngân sách hạn chế (100k/ ngày). 10h sáng hôm sau bạn kiểm tra thì chả thấy quảng cáo hiển thị, tìm hiểu thì thấy: Từ 0h đêm – 6h sáng đã tiêu hết 40.000đ; từ 6h-9h đã tiêu hết 60.000đ, tổng 100k. 10h bạn check thì lấy đâu ra tiền nữa mà quảng cáo hiện?
Trong khi: 10h trở đi mới là giờ mà khách hàng tiềm năng sẽ tìm kiếm, thế có phải lãng phí không?
Do đó, tối ưu thời gian hiện quảng cáo gồm 3 việc:
  1. Lựa chọn ra những khoảng thời gian khách hàng sẽ tìm kiếm và có khả năng mua cao để quảng cáo.
  2. Loại bỏ các khung giờ quảng cáo không hiệu quả.
  3. Làm đi làm lại 2 bước trên, cho tới khi thấy ổn nhất.

Vậy lựa chọn thời gian quảng cáo hiệu quả là như nào?

  • Mấy giờ đối thủ của bạn ăn sáng? Mấy giờ đối thủ uống cafe? Mấy giờ đối thủ sẽ rảnh việc? Ban trả lời được là mấy giờ thì NÊN BỎ QUẢNG CÁO GIỜ ĐÓ ĐI. Tìm lúc nào đối thủ bận làm việc mà quảng cáo.
  • Từ 0h đêm tới 6h sáng nếu có khách hàng gọi bảo mua đồ, bạn có ship hàng cho người ta không? Hay là còn ngủ tiếp? Nếu không bán được giờ này thì cũng nghỉ quảng cáo đi, để tiền mà chạy ban ngày ấy.
  • Bạn làm nghề này lâu rồi, tự biết khách hay quan tâm hỏi han giờ nào, thử chạy các khung giờ đó trước rồi đo đếm hiệu quả.

Làm sao để tìm ra khung giờ quảng cáo không hiệu quả?

Giờ quảng cáo không hiệu quả là: Có nhiều người vào web mà chẳng có ai gọi, chẳng có đơn hàng. Để xem được báo cáo khung giờ, bạn vào Thứ nguyên >> Chế độ xem: giờ trong ngày:
Vào phần này sẽ thấy, có những lúc chạy rất tốn tiền, nhiều người vào nhưng theo dõi 14 ngày nay chả có ma nào gọi => Khung giờ đó không hiệu quả => Giảm giá thầu ở khung giờ đó đi, để dồn tiền vào các khung giờ khác hiệu quả hơn.

Làm sao để làm hiệu quả phương pháp này?

Đây là công việc cần làm thường xuyên (1 tuần/ lần), vừa làm vừa đánh giá những thay đổi, nhớ là: Mình cần tìm ra những thời điểm quảng cáo tốn tiền nhưng không có khách, mình giảm chi phí xuống. Để có chi phí cho những khung giờ còn lại bởi có thể mấy ông đối thủ đang nhăm nhe Click điên loạn ở cái khung giờ chết tiệt kia.
Trăm hay không bằng tay quen, bạn đã biết mục đích là gì, bạn chỉ việc làm theo là sẽ hiểu. Không hiểu? inbox mình nhé.
Vậy làm sao để đặt lịch quảng cáo theo khung giờ? Làm sao để tăng giảm giá thầu….
>> Đọc ở đây: https://goo.gl/yr8Z5O

Thứ 5: TỐI ƯU VỊ TRÍ ĐỊA LÝ QUẢNG CÁO HIỂN THỊ

Phương pháp này giúp bạn tiết kiệm chi phí, hạn chế mất tiền khi quảng cáo hiển thị ở những khu vực mình không bán hàng. Qua đó giảm đi 1 lượng lớn click không chất lượng.
Giả sử tôi chỉ bán hàng ở Hà Nội, các tỉnh lân cận là tôi không bán, khi đó tôi cần chọn khu vực quảng cáo là Hà Nội, và phải chọn thêm cái này:
Sau khi chọn “Những người trong vị trí được nhắm mục tiêu của tôi” thì quảng cáo sẽ chỉ hiển thị với những đối tượng nằm trong khu vực ta cài đặt, nâng hiệu quả quảng cáo.

Số 6: SỬ DỤNG GOOGLE REMARKETING SEARCH

Google có 1 tính năng rất hay, đó là Remarketing. Ngoài tính năng chính: thu hút khách hàng quay trở lại trang web bằng việc cho quảng cáo đuổi theo họ, ngay sau khi họ rời website. Google Remarketing còn có tính năng khác, giúp chúng ta kiểm soát giá thầu cho những người thực hiện tìm kiếm sau khi họ đã vào website của mình trước đó.
Nôm na: Sau khi khách hàng vào website, Google Remarketing sẽ lưu thông tin cookie, những lần sau khách hàng tìm kiếm từ khóa của ta quảng cáo trên Google được coi là: những khách hàng cũ + và đang tìm kiếm từ khóa ta mua. Ở lần tìm thứ 2 này, ta có thể tăng/ giảm giá thầu tùy ý phục vụ từng mục đích,
Để cài đặt Google Remarketing, bạn làm theo hướng dẫn của Google (https://support.google.com/adwords/answer/2476688?hl=vi).
Sau khi thêm đoạn mã vào website, cần tới 48 tiếng để AdWords cập nhật các số liệu người dùng đã được theo dõi Cookie.

Để sử dụng phương pháp này, bạn cần làm theo các bước sau:
  1. Lấy code Remarketing và thêm vào website (làm theo Google hướng dẫn).
  2. Nhân bản (Copy-Paste) toàn bộ các chiến dịch có trong tài khoản, rồi đặt tên cho những chiến dịch mới có chữ “Re” đằng trước. Ví dụ: “Re-Chiến dịch 1”.
  3. Vào tab đối tượng của từng nhóm quảng cáo trong các chiến dịch mới, lựa chọn danh sách tiếp thị lại (mặc định là Tất cả khách truy cập web).
  4. Vào tab đối tượng của từng nhóm quảng cáo trong chiến dịch cũ, lựa chọn Loại trừ danh sách tiếp thị lại (mặc định là Tất cả khách truy cập web).
Sau khi làm xong bước 3, trong tài khoản của bạn sẽ có 2 nhóm quảng cáo trong 2 chiến dịch khác nhau có trùng từ khóa. Một chiến dịch tên như cũ “Chiến dịch 1” và 1 chiến dịch có tên “Re-Chiến dịch 1”. Hai từ khóa thuộc 2 chiến dịch này sẽ không đấu nhau, bởi chiến dịch “Re-Chiến dịch 1” bạn đã lựa chọn đối tượng Remarketing.
Như vậy:
  • Nếu khách hàng Search từ khóa lần đầu, AdWords sẽ kích hoạt mẫu quảng cáo và sử dụng giá thầu của Chiến dịch 1.
  • Nếu khách hàng là người đã từng vào website của chúng ta, và họ lại tìm kiếm các từ khóa mà chúng ta đã mua, AdWords sẽ kích hoạt mẫu quảng cáo, và sử dụng giá thầu của Re-Chiến dịch 1.
Việc của bạn là tăng, giảm giá thầu ở lần search thứ 2 (Re-chiến dịch 1). Bạn có thể tăng giá thầu nếu bạn nghĩ lần 2 khách hàng Search có thể mua hàng cao hơn lần 1.
Bạn có thể giảm giá thầu đi nếu bạn thấy lần 2 những người tìm kiếm toàn là đối thủ, phá quảng cáo (thường là keyhot).

Danh sách đối tượng Remarketing tồn tại dựa trên thời hạn thành viên mà chúng ta chọn ban đầu (mặc định 30 ngày). Nếu bạn cần quản lý những đối tượng này lâu hơn, bạn có thể thay đổi số ngày trên thời hạn thành viên, tối đa 540 ngày.

Để minh họa cách thực hiện trong tài khoản AdWords, bạn xem các hình ảnh sau:

Đầu tiên là copy y chang chiến dịch cũ thành chiến dịch mới, đặt tên Re-Chiến dịch 1:
tạo chiến dịch remarketing

Sau đó, chọn nhắm mục tiêu theo Đối tượng trong chiến dịch mới (Re-Chiến dịch 1), phần đối tượng lựa chọn “tất cả khách truy cập”:

Cuối cùng, chọn Loại trừ mục tiêu theo Đối tượng trong chiến dịch cũ (Chiến dịch 1), phần đối tượng lựa chọn “tất cả khách truy cập”:
Vậy là xong. Bạn muốn điều chỉnh giá thầu của từ khóa khi người dùng Search lần 2-3-… thì bạn vào các chiến dịch có chữ Re ở đầu mà sửa nhé, các chiến dịch cũ vẫn giữ nguyên.
Quên mất: Bạn muốn sao chép chiến dịch chỉ cần bấm vào Chỉnh sửa >> Sao chép rồi lại Chỉnh sửa >> Dán là được nhé:

Ưu điểm của phương pháp này:

  1. Chặn theo người dùng chứ không chặn theo IP, và mình có thể quản lý được ở cấp từ khóa cụ thể.
  2. Danh sách Remarketing liên tục cập nhật thêm những người dùng mới, nên nếu có hơn 500 anh em đối thủ thì vẫn cập nhật vào được bình thường (nhớ đặt thời hạn thành viên lâu lâu).

Hạn chế của phương pháp:

  1. Có khả năng chặn nhầm cả khách hàng tiềm năng, bởi khách hàng thật sự cũng có thể tìm kiếm từ khóa nhiều lần.
  2. Phải có đủ 1.000 người vào website thông qua Google (SEO, AdWords) kể từ lúc gắn Code, thì phương pháp này mới hoạt động.

Vậy là tôi đã cùng bạn đi qua 6 phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay trong việc chống Click ảo AdWords. Nếu bạn vận dụng kết hợp 2 hay nhiều phương pháp với nhau và theo dõi, bạn sẽ thấy có hiệu quả, nhưng nhớ cho tôi: Nó Không Tuyệt Đối!
Trường hợp như này sẽ không có cách phòng chống nè: Đối thủ tự làm ra 1 tools mới, hoạt động theo cơ chế mới. Tools này tinh vi tới nỗi Google lọc tự động không được, các phương pháp khác cũng không được vì Tools tự xóa cookie, tự đổi IP, và cũng không biết tên Tools là gì để báo cáo cho Google (Tools tự làm thì làm gì có tên). Thì đúng là Hết Thuốc Chữa, kể cả Google các bạn ạ. Tôi đã gặp tình huống tương tự và phải Bó Tay.

Chốt hạ: 6 phương pháp chống Click ảo tôi giới thiệu với bạn trong bài này là đủ nếu bạn áp dụng ngay và theo dõi để tiết kiệm chi phí cho mình. Nếu bạn là người chưa từng chạy AdWords hoặc chưa từng gặp trường hợp bị phá, tôi cần bạn nhớ: Nên cảnh giác với những dịch vụ chống phá Click ảo, cam kết 100% trên mạng, bạn phải cẩn thận nhé.
Bài viết dài nên sẽ dừng ở đây, nếu được mọi người ủng hộ mình sẽ viết tiếp.
Nếu không, giờ mình chỉ viết về Bảo hiểm nhân thọ thôi.
Cách Phòng Chống Click Tặc AdWords Từ A-Z Cách Phòng Chống Click Tặc AdWords Từ A-Z Reviewed by Đỗ Trí on 10:39 Rating: 5